LỄ TRAO TẶNG GIA PHẢ HỌ TRẦN (NHÂN NGÀY LỄ ĐẠI TƯỜNG GS TRẦN VĂN GIÀU)
(2012-12-05)
Lễ trao tặng bộ gia phả cho bà con tộc Trần tại quê hương của giáo sư nhân ngày Lễ Đại Tường (giỗ đầu) của GS Trần Văn Giàu vào ngày 24/11/2012 (nhằm ngày 11 tháng 10 năm Nhâm Thìn 2012), vì nhuần hai tháng 4.
Sau hơn 1 năm (6/2011 -10/2012), Trung Tâm nghiên cứu & Thực hành gia phả TP.HCM (Hội KHLS Tp.HCM) cùng với đại diện tộc Trần đã hoàn thành bộ gia phả họ Trần (GS Trần Văn Giàu) xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An và tổ chức Lễ trao tặng bộ gia phả cho bà con tộc Trần tại quê hương của giáo sư nhân ngày Lễ Đại Tường (giỗ đầu) của GS Trần Văn Giàu vào ngày 24/11/2012 (nhằm ngày 11 tháng 10 năm Nhâm Thìn 2012), vì nhuần hai tháng 4.
1. Quá trình thực hiện:
Tại lễ tang GS Trần Văn Giàu (24/12/2010) tại TP.HCM, Trung Tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia phả được biết tộc Trần có Bảng tông Chi, được sự đồng ý của đại diện tộc Trần, Trung Tâm tự nguyện nhận dựng bộ gia phả tộc Trần để hiến tặng bà con tộc Trần để tỏ lòng kính yêu đối với GS Trần Văn Giàu, và để tri ân tộc Trần đã có công sanh thành dưỡng dục một người con được cả dân tộc kính trọng và ngưỡng mộ, làm rạng danh cho họ tộc, quê hương và đất nước.
Trong quá trình thực hiện bộ gia phả, các chuyên viên gia phả đã được sự ủng hộ nhiệt tình của chánh quyền địa phương Long An, các cơ quan ban ngành Tp.Hồ Chí Minh, gia đình tộc Trần. Trong đó ông Trần Văn Mẫn và hai con, ông Trần Văn Phương đưa đường đến tận từng gia đình họ Trần ở quê hương Long An, ở Tiền Giang và Tp.Hồ Chí Minh. Riêng ông Trần Văn Thọ (đời X) , người lớn tuổi nhứt của họ Trần còn sanh tiền, ông Nguyễn Chơn Trung (cháu ngoại bà Trần Thị Kế) với ông Trần Văn Mẫn và Trần Văn Phương ủng hộ tài chính, tổng cộng 20 triệu đồng (riêng ông Trần Văn Thọ 10 triệu đồng) để in đợt đầu được 30 bộ gia phả trao tặng cho các chi họ Trần hôm nay.
Trung tâm gia phả xin trân trọng ghi nhận tất cả sự ủng hộ tinh thần và vật chất nầy, vì đó là thể hiện tấm lòng yêu thương và quý trọng đối với GS Trần Văn Giàu; đồng thời hỗ trợ đắc lực Trung tâm chúng tôi hoàn thành bộ gia phả đầy tình nghĩa này.
Với thành tích dựng bộ gia phả này, tỉnh Long An đã tặng Bằng khen cho Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia Phả TP.Hồ Chí Minh. Trước đó tỉnh Long An đã cấp bằng xếp hạng Di Tích cấp tỉnh, thành phố khu lưu niệm giáo sư Trần Văn Giàu.
2. Hình thức cấu trúc bộ gia phả :
Họ Trần là 1 trong 10 họ lớn của các dòng họ VN, bộ gia phả dày 572 trang, gồm 2 phần chính:
• Chính phả : Lời tựa (giới thiệu), Phả ký (Tổ phụ tổ quán), Phả hệ (ghi hệ thống thế thứ những người trong họ), Phả đồ (bản đồ ghi tóm tắt những người họ Trần).
• Ngoại phả, phụ khảo: Kỷ sự (tiểu sử) những người tiêu biểu; Di vật, hình ảnh, địa danh, danh nhân lịch sử quê hương.
3. Vài nét về Tổ quán họ Trần:
Theo Bảng Phú Ý bằng chữ Nho của ông bà để lại do ông Trần Văn Mẫn cung cấp, Đức Viễn Tổ họ Trần là ông TRẦN ĐỨC TĂNG (đời I) ở thôn Hoà Ninh, Tổng Trung, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định (nay là xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định). Viễn Tổ sanh ra Trần Đức Huệ (đời II), Trần Đức Huệ sanh ra Trần Đức Long (đời III), Trần Đức Long sanh ra Trần Đức Loan (đời IV). Cao Tổ Trần Đức Loan, khoảng năm 1760 vào đất Gia Định lập nghiệp tại thôn An Tập, xã Long Trì, tổng Thạnh Mục Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, trấn Gia Định (nay là xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Hiện nay phần mộ Cao Tổ Trần Đức Loan ở ấp Long Hưng, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An được con cháu nhiều lần tôn tạo– nơi đây bà con họ Trần dự kiến sẽ xây dựng Từ đường tộc Trần trong tương lai – con cháu họ Trần tôn Cao Tổ Trần Đức Loan là ông Tổ sáng lập họ Trần phương Nam.
Cao Tổ Trần Đức Loan sanh hạ được 10 người con (5 nam, 5 nữ). Người con thứ tư của Cao Tổ là Trần Đức Chấn (đời V) sanh hạ 9 người con (5 nam, 4 nữ). Trong đó có trưởng nam Trần Đức Bốn (đời VI), Trần Đức Thủ (đời VII), Trần Đức Dụng (đời VIII), Trần Văn Chơi (đời IX), Trần Văn Giàu (đời X). Con cháu họ Trần đã nối truyền đến nay là đời thứ XIV.
4. Truyền thống yêu nước, bất khuất :
Từ đời thứ VI, cụ Trần Đức Trinh quyết chống lại cường quyền bất công, bị giặt bắt thà hy sinh trong tù chớ không chịu khuất phục. Người con trai cụ là ông Trần Đức Bàn (đời VII) theo Thủ Khoa Huân chống Pháp bị giặc bắn tập thể an táng ở Mả Bảy (bảy người chôn chung một mộ). Đời VIII có ông Trần Đức Dụng (ông nội GS Trần Văn Giàu) là nghĩa quân chống Pháp, nên khi qua đời, linh cữu ông phải an táng nơi xã khác để tránh tai mắt địch. Giặc Pháp và tay sai rất thâm thù họ Trần và tuyên bố : “Bắt được dòng dõi Trần Đức là bắn bỏ, không cần tra xét”. Đời X có các ông Trần Văn Nuôi, Trần Văn An (anh ruột GS Trần Văn Giàu) tham gia Thiên Địa Hội đánh phá khám lớn Sài Gòn. Riêng ông Trần Văn Nuôi có 3 người con (đời XI) là Trần Thị Biểu (Hay), Trần Văn Quản và Trần Văn Nam đều là liệt sĩ (đã có tên đường Trần Văn Nam ở TP. Tân An). Bà Trần Thị Nên (đời VIII) có 6 người cháu cố (đời XI) là An, Bang, Vĩnh, Thới, Lài, Kiên đều là liệt sĩ… Đặc biệt đời X có giáo sư Trần Văn Giàu, người có vai trò quyết định cho cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám 1945 ở Nam Bộ thành công.
Thời chống Pháp và đánh Mỹ, con cháu họ Trần đã tích cực tham gia, đã có 23 liệt sĩ và nhiều thương binh; đồng thời cũng có 25 cán bộ lãnh đạo Đảng, chánh quyền, ban ngành, trong đó có 15 cán bộ quân đội, công an từ cấp uý đến cấp tá, chỉ huy cấp tiểu đoàn : Trần Văn Nam và Trần Trung Khá.
Sau giải phóng, lớp trẻ họ Trần hăng hái học tập, hiện có : 23 sinh viên đại học, 14 cao đẳng các ngành.
5. Xây dựng dòng họ văn hoá:
Họ Trần là họ danh giá, có bề dày truyền thống tốt đẹp, có gia phả đã nối kết những người trong họ từ ông Cao Tổ khởi nghiệp đến nay rất đông đảo con cháu hầu hết đều thành đạt, khá giả. Nguyện vọng chung của con cháu họ Trần muốn xây dựng dòng họ Trần văn hoá theo các tiêu chí đã vạch ra. Muốn vậy phải thành lập Hội đồng tộc Trần gồm những người có uy tín từ các chi họ có công lao đóng góp tích cực cho dòng họ, vạch ra kế hoạch và điều hành công việc chung như xây dựng nhà thờ Tổ (từ đường) để có chỗ thờ cúng nghiêm trang, thành lập Hội khuyến học, khuyến nghiệp, khuyến tài để động viên tinh thần học tập, lao động của lớp trẻ; nhân ngày giổ Tổ hàng năm tổ chức lễ mừng thọ, những người trong họ, nhứt là vinh danh những bà dâu họ Trần từ 80 tuổi trở lên đã có công sanh thành nuôi dạy con cháu họ Trần thành đạt, nên người.
Phát huy truyền thống ông bà, những vị trưởng lão họ Trần chung tay góp sức vì sự nghiệp Tổ tiên và vì sự nghiệp con cháu mai sau, nhứt định tộc họ Trần sẽ thực hiện được. Thật là:
Hữu Dư Phước Am Lưu Miêu Duệ
Bất Tử Tinh Thần Tại Tử Tôn
Xin cảm ơn bà con và quý vị.
Thạc sĩ NGUYỄN THANH BỀN
Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu & Thực hành Gia Phả Tp.HCM
CÁC TIN MỚI
01-01-1970
CÁC TIN CŨ
Lễ trao gia phả họ Châu có tổ quán tại Phường 5, TP Cà Mau
22-11-2012
Hoàn thành bộ gia phả họ Trần (GS Trần Văn Giàu)
19-10-2012
Bộ gia phả họ Trần (GS Trần Văn Giàu) - Bộ gia phả đặc biệt
19-10-2012
Tìm thấy cuốn gia phả họ CAO ở Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội
09-06-2010
Họ Phan xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi - Gương hiếu học phát huy truyền thống gia đình
19-12-2009
Gia phả họ Lâm ở ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành, TP Cà Mau
23-08-2009
Chúng tôi cung cấp dịch vụ làm gia phả cho dòng họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét